THÔNG TIN CÁC ĐIỂM DỪNG CHÂN CỦA XE ĐIỆN

 
Xuất phát : Hà Nội

 

THÔNG TIN CÁC ĐIỂM DỪNG CHÂN CỦA XE ĐIỆN

 

Ø Điểm dừng 1 – phố Hàng Đường

Phố Hàng Đường là một phố trong khu phố cổ Hà Nội, chạy theo hướng bắc - nam, đầu phía nam nối vào phố Hàng Ngang, đầu phía bắc nối vào phố Đồng Xuân. Cắt ngang phố có phố Hàng Cá và Ngõ Gạch. Tên phố có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh và các sản phẩm làm từ đường, mật.

Lịch sử

Phố Hàng Đường là một con đê có từ trước thế kỉ 15, nằm trên địa bàn thôn Đông Hoa Nội và Hậu Đông Hoa Môn (sau nhập lại thành Đức Môn) và Vĩnh Thái (sau đổi là Vĩnh Hanh), tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. Trước kia sông Tô Lịch chạy qua khu vực này, có một cây cầu đá bắc ngang qua gọi là Cầu Đông, nay cầu đã mất nhưng vẫn còn tên gọi qua ngôi chùa Cầu Đông. Trên phố có một chợ cạnh cầu gọi là chợ Cầu Đông, sau dời đến phố Đồng Xuân nên gọi là chợ Đồng Xuân.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue du Sucre, đường xe điện bánh sắt Bờ hồ - Đồng Xuân chạy qua phố.

Hiện nay phố là đường một chiều theo chiều từ Hàng Ngang đến Đồng Xuân. Phố nằm trong tuyến phố đi bộ vào các buổi tối cuối tuần.

Đặc trưng

Xưa kia hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Những tháng tấp nập nhất là trước Tết và Rằm trung thu.

Ngày nay tại phố Hàng Đường vẫn còn nhiều cửa hàng bán mứt kẹo, đặc biệt là ô mai ngon có tiếng.

Ø Điểm dừng 2 – chợ Đồng Xuân

Ø Điểm dừng 3 – phố hàng Chiếu

 

Phố Hàng Chiếu là con phố nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

Vị trí - Địa điểm

Phố dài 275m, nằm trong khu vực phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố nối từ cửa ô Quan Chưởng đến ngã tư Hàng Đường - Đồng Xuân. Có 3 phố rẽ vào Hàng Chiếu từ cửa ô Quang Chưởng  Ô Quan Chưởng, Thanh Hà  Đào Duy Từ. Đầu kia có 3 phố làHàng Đường, Đồng Xuân  Hàng Mã. Phố cắt và dẫn qua các phố Nguyễn Thiện Thuật  Hàng Giầy. Trên phố còn có lối rẽ vào ngõ Đồng Xuân, thông sang với phố Cầu Đông.

Phố có mặt cắt 11m, là con phố buôn bán sầm uất với nhiều loại mặt hàng.

Lịch sử

Phố được xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên làphố Hàng Bát). Đình thôn Thanh Hà trước ở gần kề cửa Ô Quan Chưởng, năm 1817 sửa chữa cửa ô, mở rộng thêm đường nên được di dời vào số nhà 77 Hàng Chiếu nhưng mặt chính lại quay ra số 10 ngõ Gạch; thờ ông Trần Lựu, tướng đời nhà Trần.

Thời Pháp, phố có trên là Rue Jean Dupuis, là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp (phía đầu phố). Tại phố này, Gác-ni-e đã tiến vào hạ thành Hà Nội của tướng Hoàng Diệu.

Đây là con phố đầu tiên chúng có ý định mở mang sau khi chiếm được Hà Nội vào năm 1883. Năm 1888, bọn thực dân phóng hỏa đốt trụi cả dãy phố. Sau đó, chúng chiếm đất mở cửa hàng, bắt những người dân phố phải mua gạch xây nhà kiểu tây, nếu không có tiền thì chúng mua lại với giá rẻ. Phố có vỉa hè, cây xanh, cột đèn như bên Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu tây nên người dân quen gọi là phố Mới.

Phố là một trận địa chiến đấu của quân ta trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Cho đến ngày 17/2/1947, trận địa Ô Quan Chưởng vẫn đứng vững cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Thành phố.

Ø  Điểm dừng 4 – phố hàng Vải

Phố Hàng Vải thuộc phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), dài khoảng 236 mét từ ngã tư phố Thuốc Bắc, Lãn Ông tới phố Phùng Hưng.

Lịch sử

Vào những năm nửa cuối thế kỷ XIX, phố Hàng Vải là một trong những con phố gần chợ Đông Thành (tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương) xưa kia. Đường phố buôn bán sầm uất, với đủ các mặt hàng tiêu dùng, hàng vải, đồ dùng trong nhà. Khi không còn chợ ở đây nữa thì tại phố đó vẫn mở những cửa hàng bày những mặt hàng theo truyền thống cũ, giấy bút, vải... Về sau qua nhiều thời kỳ phát triển của nền kinh tế Hà Nội thì hàng hóa phong phú đa dạng, nhiều thứ mới nhập cảng của Pháp, của Hương Cảng, của Nhật, tuy nhiên mặt ngoài cửa hàng vẫn như cũ làm cho đường phố có vẻ không mấy thay đổi.

Để dễ dàng nhận diện phố hơn, có thời người Kẻ Chợ đã gọi phố Hàng Vải là  Hàng Vải Thâm vì khác với Hàng Đào bán lụa tơ, phố bán vải nhuộm nâu cho người lao động. Gọi là Hàng Vải Thâm nhưng tại đây lại bán các thứ vải tấm, tức là vải khổ nhỏ do khung cửi cổ truyền dệt ra nên khổ vải chỉ dài độ hai gang tay do Kẻ Bưởi sản xuất. Phố này có tính chất buôn bán  hàng nội hóa thủ công nên những chủ cửa hàng trong phố ít người giàu có; nhà ở của họ vẫn chỉ là những ngôi nhà cổ của gia đình buôn bán nhỏ, không có mấy sự thay đổi. Tuy nhiên lại có những người nhiều tiền ở phố khác mua được nhà đất ở đây xây dựng lại thành nhà mới có gác cao, hiện đại hơn để mở những cửa hàng lớn.

Đặc trưng

Tuy phố Hàng Vải hiện nay không còn sinh hoạt phường hội kiểu ngày xưa nữa; trong phố không có nhà nào bán vải, nhưng nét phố, khung cảnh phố còn được gìn giữ. Mặt hàng chuyên doanh về tre trên phố ngày càng được phát triển đa dạng và phong phú, từ tre trong kiến trúc, xây dựng, cho tới tre trong nội thất, sinh hoạt hàng ngày đều được gia công, thiết kế tại đây. Những biển hiệu như: Nghĩa Dũng, Trọng Sơn, Đức Trang… đã sờn qua nhiều thập kỷ, những hàng tre hai bên phố được xếp ngay ngắn, cao vút, nối tiếp nhau tạo thành một con phố tre giữa lòng khu phố cổ.

 

 

Ø  Điểm dừng 5 – phố hàng Buồm

Phố Hàng Buồm là một phố dài khoảng 300m trong khu phố cổ Hà Nội, theo hướng đông tây. Đầu phía đông của phố nối vào phố Mã Mây tại ngã tư với phố Đào Duy Từ, đầu phía tây là ngã tư với ba phố: Hàng ĐườngHàng Ngang và Lãn Ông. Cắt ngang phố là các phố Hàng Giày, phố Tạ Hiện.

Tên phố bắt nguồn từ sản phẩm tấm buồm đan bằng mây là sản phẩm được bán nhiều ở phố này. Đến nay, phố Hàng Buồm vẫn được coi là một trong những phố cổ tiêu biểu nhất.

Lịch sử

Phố xưa thuộc phường Hà Khẩu (còn gọi là Giang Khẩu), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng. Đến thế kỉ 19, người Hoa Quảng Đông từ khu vực phố Hàng Ngang mở rộng đến tận đây, và dần dần thao túng cả phố. Hội quán Quảng Đông lập tại phố này.

Trước kia trên phố, cạnh đền Bạch Mã có chợ Bạch Mã, sau chợ này cùng với chợ Cầu Đông dồn về chợ Đồng Xuân.

Thời Pháp thuộc, phố có tên Rue des Voiles.

Đặc trưng

Sản phẩm xưa kia của phố là các loại bị, túi, vỉ buồm, chiếu buồm... đan bằng mây, cói. Nguyên liệu được các thuyền chở vào tận sát phố, và cũng các thuyền ấy chở sản phẩm đi các khu vực khác. Sau người Hoa chiếm lĩnh phố thì các mặt hàng này dần biến mất. Hoa Kiều mở nhiều hiệu ăn ở phố này.

Ngày nay trên phố có nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, hạt dưa hạt bí các loại, phong phú đa dạng. Cùng với đó là các loại rượu bia, nước giải khát. Các dịp Tết và Trung thu, nơi đây rất tấp nập.

Ngoài ra trên phố Hàng Buồm cũng có nhiều quán bán đồ ăn như thịt quay, bún, nộm... cũng có tiếng.

Ø  Điểm dừng 6 – phố Mã Mây

Phố Mã Mây là một phố trong khu phố cổ Hà Nội, chạy theo hướng nam lên phía bắc rồi lại quay sang phía tây. Đầu phía nam của phố cắt phố Hàng Bạc, đầu quay sang phía tây nối vào phố Hàng Buồm.

Tên Mã Mây ghép từ hai tên phố Hàng Mã (đoạn phía nam) và Hàng Mây (đoạn phía bắc). Ngày nay phố Mã Mây chủ yếu là các công ty và nhà nghỉ phục vụ khách du lịch.

Lịch sử

Phần phố Hàng Mây thuộc đất của giáp Hương Tượng, phường Hà Khẩu; phần phố Hàng Mã thuộc thôn Dũng Thọ, Hàng Mã này khác vớiphố Hàng Mã ở gần chợ Đồng Xuân. Phường Hà Khẩu gần cửa sông Tô Lịch nối ra sông Hồng.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue des Pavillons Noirs nghĩa là phố Quân Cờ Đen vì năm 1883 có một đơn vị quân Cờ Đen đóng ở phố này. Pháp cũng đặt một số công sở ở khu vực này vì gần với bến sông và khu buôn bán của người Hoa. Một số lái buôn người Pháp tập trung về khu phố này buôn bán.

 

Đặc trưng

Thời xưa đầu phố phía nam chuyên làm hàng mã, là các loại đồ cúng bằng giấy cho các đám tang, đám rước, giấy vàng. Đoạn đầu phía bắc chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.

Hiện nay gần như toàn bộ phố là các nhà nghỉ, khách sạn cho khách thuê, văn phòng các công ty du lịch, và các quán ăn, cửa hàng chuyên phục vụ khách du lịch. Khách ở khu phố này phần lớn là người nước ngoài.

Ø  Điểm dừng 7 – phố Hàng Bạc

Phố Hàng Bạc, nằm trong khu phố cổ Hà Nội, là nơi tập trung những người thợ kim hoàn giỏi tạo ra nhiều đồ trang sức tinh sảo và đẹp, nổi tiếng trong và ngoài Việt Nam. Những đặc điểm nổi bật của sản phẩm là tạo dáng nghệ thuật, tạo văn (nét chìm, nét nổi) tinh xảo và sinh động.

Lịch sử

Trước đây, phố Hàng Bạc có ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền. Họ xuất thân từ ba làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam: làng Châu Khê (tỉnh Hưng Yên), làng Ðồng Xâm (tỉnh Thái Bình) và làng Định Công.

Vào thế kỷ 15, quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín - vốn người làng Châu Khê được triều đình nhà Lê giao cho việc lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay) bởi lúc bấy giờ bạc nén được dùng làm đơn vị tiền tệ để trao đổi. Ông đã đưa thợ ở Châu Khê tới kinh thành lập xưởng đúc bạc. Dần dần, cùng với nghề đúc bạc, thợ Châu Khê làm cả nghề thợ trang trí vàng bạc. Ðến đầu thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, xưởng đúc bạc nén chuyển vào Huế (miền Trung Việt Nam). Phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở tại Thăng Long làm nghề kim hoàn, họ lập thành phường thợ tại phố Hàng Bạc ngày nay. Lúc này ở phố Hàng Bạc còn có cả thợ vàng bạc ở Ðịnh Công và Ðồng Xâm tới lập nghiệp. Người ta sản xuất, buôn bán, kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn. Vì vậy, vào thời Pháp thuộc, phố này còn có tên tiếng Pháp là Rue de changeurs (phố Ðổi Bạc).

Đặc trưng

Đoạn cuối phố ở phía tây, từ ngã tư Tạ Hiền - Đinh Liệt đến ngã tư Hàng Đào - Hàng Bồ là nơi tập trung của người làng Định Công di cư ra Thăng Long cũng làm nghề vàng bạc. Họ là những người thợ kim hoàn, tức là nhận đặt làm những đồ nữ trang như khuyên vàng, xã tích bạc, vòng xuyến, hoa, hột bằng vàng, khánh, vòng bạc cho trẻ con. Những người nhiều vốn vừa làm hàng, vừa mua vừa bán ra các đồ vàng bạc; người không có vốn nhận làm thuê lấy tiền công.

Ø  Điểm dừng 8 – phố Hàng Bồ

Phố Hàng Bồ có hai đoạn: một đoạn ngắn ở phía đông; từ ngã tư Hàng Đào- Hàng Ngang đến ngã tư Hàng Cân - Phố Lương Văn Can; một đoạn dài ở phía tây, đây mới là đoạn chính của phố Hàng Bồ.

Đoạn ngắn giáp Hàng Đào- Hàng Ngang trước kia có tên là phố Hàng Dép.

 

Lịch sử

Thế kỷ 19, hàng Bồ có tên là phố Hàng Dép. Ở đây tập trung các cửa hàng bán guốc dép. Vài thập kỷ đầu thế kỷ 20 có nhiều nhà đan bồ nứa, vào dịp Tết thì bồ chất đầy phố, kẻ mua người bán tấp nập, vì dân các tỉnh về Hà Nội mua cất hàng, cần có bồ để đóng. Khoảng thập niên 1920, còn hai nhà đan bồ: ông Sáu Bồ ở số 35 và một nhà bên số chẵn gần đền Nhân Nội (số 84A). Sau đó hàng Bồ lùi vào các chợ, nhà hàng nhường cho các hoạt động kinh doanh khác.

Phố Hàng Bồ ngoài nhà in Kim Đức Giang, còn có một  nhà in kiêm xuất bản: đó là nhà in Hồng Khê và nhà xuất bản Lê Cường ở số nhà 75. Nhà in này ban đầu là in toa thuốc, bao bì, sách giới thiệu hàng của nhà thuốc Hồng Khê, sau phát triển xuất bản các sách văn học, tiểu thuyết, nghiên cứu.

Đoạn phố Hàng Bồ phần phía Tây có đặc điểm là có nhiều hiệu lớn. Khi người Pháp mới đánh chiếm Hà Nội, phố Hàng Bồ vốn có đông gia đình người Việt Nam ngụ đã lâu đời, họ là những gia đình giàu có. Sau này có nhiều người Việt Nam ở nơi khác và thêm người Tàu gốc Thiều Châu tỉnh Phúc Kiến mua nhà mở cửa hiệu lớn và buôn bán nhiều mặt hàng khác nhau.

Một nét đặc biệt của phố này thời trước năm 1945 là cứ khoảng gần Tết Nguyên đán là trên vỉa hè nhiều ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ viết chữ, bán cho dân treo ngày Tết. Các ông đồ trải chiếu ngồi dưới mái hiên mấy cửa hàng lớn chuyên bán buôn (ít khách ra vào), treo lên tường những câu đối viết sẵn, những đôi liễn hoa tiên, dưới chiếu bày chậu mực, ống bút và cả tập giấy màu. Cả Hà Nội chỉ phố này là có ông đồ bán chữ. Có lẽ do ở đây vốn có những hiệu người Hoa bán bút mực và các loại giấy màu nhập từ Hồng Công.

Đặc trưng

Nơi đây có một mặt hàng độc đáo được bày bán, đó là phụ liệu may mặc. Đơn giản từ những chiếc khuy be bé, xinh xinh làm bằng đủ chất liệu (gỗ, xà cừ, nhựa, đồng…) đến vô số những chiếc đinh tán, cúc bấm, những bông hoa nhỏ xinh, những hạt cườm lóng lánh hay những dải ruy băng duyên dáng, sợi bằng tơ, móc cài xanh đỏ, khóa kéo và hàng ngàn mẫu thêu đều có thể tìm thấy trên con phố này. 

Hàng được bày từ trong nhà, tràn ra ngoài phố. Cả đoạn đường đầu Hàng Bồ giáp Hàng Ngang lúc nào cũng đông đúc người ra vào mua bán, lúi húi tỉ mẩn lựa chọn những món đồ ưng ý.

Những người thích lai rai về khuya thường tìm đến Hàng Bồ, bởi đây là con phố chuyên mực nướng về đêm. Dọc hai bên phố thi thoảng lại bắt gặp một cửa hàng với vài chiếc ghế nhựa, lò than hoa lửa bập bùng, chiếc bóng đèn tròn được kéo dây từ trong ngõ ra tận phố soi trên cái mẹt có để vài con cá chỉ vàng, vài con mực khô. 

Khách ăn đa phần là thanh niên, ngồi nhậu lai rai, uống với nhau vài cốc bia, lắng nghe không khí tĩnh lặng của đêm Hà Nội.

Ø  Điểm dừng 9 - phố Bát Đàn (phố Hàng Đàn)

Phố Bát Đàn dài 248m, nối từ phố Hàng Bồ đến phố Phùng Hưng, chạy ngang ngã tư Hàng Điếu-Hàng Gà và phố Đường Thành, thuộc hai phường Hàng Bồ và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời Pháp thuộc, phố được gọi là Hàng Chén (Rue Vieille des tasses)

Lịch sử

Phố bát Đàn chia làm hai đoạn rõ rệt: Đoạn thuộc đất thôn Tân Khai, trước kia là đoạn qua đất còn bỏ trống mới được mở mang sau này; đoạn thuộc đất thôn Nhân Nội, một phố cũ có từ xưa, sẵn có nghề buôn bán.

Đoạn thuộc đất Tân Khai cũ, mới được xây dựng từ những năm 1920 trở đi. Đầu phố giáp với phố Phùng Hưng và phố Đường Thành là khu đất cũ của ngôi trường tiểu học, Trường Cửa Đông, trường đã bị dỡ bỏ và người ta xây lên đó một ngôi nhà lớn ba tầng quay ra hai mặt đường (số 71) để làm khách sạn: An Cương Hotel (nay là khách sạn Phùng Hưng).

Đoạn thuộc đất thôn Nhân Nội, là một phố có từ xưa, chuyên bán các loại bát, đĩa, ấm, chén, vại, chum, lộc bình bằng đồ đàn (tức là đồ gốm), nên thành tên Hàng Đàn. Những người kinh doanh đồ đàn phần lớn là dân gốc ở hai làng Phượng Dực và Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).  Về sau, phố Bát Đàn buôn bán cả hàng sứ Trung Quốc và Nhật Bản. Vào khoảng những năm 20, 30 của thế kỷ XX, phố có thêm một số cửa hàng làm đồ da như va li, cặp sách, túi xách, đồ du lịch.

Ở đầu phố giáp Hàng Thiếc có mấy nhà bán thừng, dây gai, võng, chão bện được làm bằng đay và gai.Trước năm 1946, Bát Đàn có khá nhiều nhà cổ, cao ít nhất là hai tầng, cửa sổ nhìn ra đường, bên trong nhà có một đến hai sân, giếng trời, bể nước, gác nhà cầu, gác sân thượng.Thời kỳ này, người dân chỉ sinh hoạt, buôn bán tấp nập từ ngã tư Hàng Bồ, Hàng Bút, Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Điếu. Còn từ ngã ba Hàng Điếu vào đến Đường Thành là nơi ở của người Nhật và người Hoa.Vào những năm 40, ở phố xuất hiện vài cửa hiệu làm và bán kẹo của người Hoa. Vì ở gần Cổng Thành nên phố Bát Đàn có những cửa hàng của người Nhật, người Hoa và người Việt mở phục vụ binh lính Pháp.Trong chiến sự cuối năm 1946 đầu 1947, phố Bát Đàn bị tàn phá nghiêm trọng, nhà cửa bị đổ hoặc bị hư hại nặng. Cả phố chỉ còn sót lại có bốn nóc nhà là nguyên vẹn: nhà số 3, 5, 7 và 11. Đến thời tạm chiếm, hai mặt đường phố mới được khôi phục lại, hiện nay gia đình cũ của phố Bát Đàn chỉ còn lại mươi nhà 1-3-5- 7-11-23-10-12-24-26.

Đặc trưng

Đến với 49 Bát Đàn thì bạn sẻ được thấy chuyện xếp hàng để được ăn phở là chuyện bình thường…Quán phở xếp hàng 49 Bát Đàn này có từ những năm 60 của thế kỷ trước, gần nửa thế kỷ tồn tại quán vẫn như xưa, gần như không thay đổi. Vào thời kỳ đó, ăn phở xếp hàng là hình ảnh quen thuộc của Hà Nội. Nó đã trở thành kỷ niệm, ăn sâu vào ký ức của nhiều thế hệ.Mặt tô phở nổi lớp nước béo và lá hành xắt nhỏ. Phở Hà Nội chính hiệu không ăn kèm giá, rau thơm, rau quế, ngò gai... như ở Sài Gòn. Gia vị có thể thêm vào là ớt tương cay nồng và chanh. Nhà phở nêm nếm vừa miệng nên khách không cần thêm nước mắm. Sợi phở mỏng, thịt mềm và thơm, nhưng đặc biệt là gân được nấu rất mềm ngậm vào cứ tan ra trong miệng.

Ø  Điểm dừng 10 – phố Hàng Quạt

Phố Hàng Quạt dài khoảng 200m, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Đông-Tây, nối từ phố Lương Văn Can đến phố Hàng Nón.

 

Lịch sử


Phố được xây dựng trên nền đất xưa thuộc hai thôn Tố Tịch và Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Thời Pháp thuộc, phố được gọi là Hàng Quạt (Rue des éventails) và tên này được chính thức hóa từ Sau Cách mạng tháng Tám đến nay.

Phố được gọi là Hàng Quạt vì ở đây có nhiều cửa hàng vừa tự sản xuất và vừa thu mua quạt từ những nơi khác đem về bán.

Nghề làm quạt ở đây do một số người dân làng Đào Xá (còn gọi là làng Đầu Quạt), huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên mang đến. Họ đến đây sinh cơ, lập nghiệp và dựng lên một ngôi đình thờ ông tổ nghề quạt ở nhà số 4, gọi là đình Xuân Phiến Thị, tức là “Chợ quạt mùa Xuân."

Quạt bày bán ở phố này có nguồn gốc từ nhiều nơi như quạt Lủ do làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, làm ra. Quạt Lủ gồm nhiều loạt: quạt phất giấy, quạt phất bằng lượt mỏng (một loại lụa thưa, nhuộm màu), quạt có nan bằng xương, quạt có nan bằng ngà...

Quạt Hới của làng Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, làm ra. Quạt có nan làm bằng trúc; quạt Vác do làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội, làm ra. Quạt được châm bằng kim rất khéo, khi xòe ra và soi lên ánh sáng như là quạt phất bằng lụa.

 Quạt của làng Vẽ, Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, có nan làm bằng tre, nứa đan theo nhiều hình như lá vả, hình thang…; quạt thóc của làng Vo, Gia Lâm, Hà Nội; quạt lông ngỗng của làng Đơ Đình, quận Hà Đông, Hà Nội.

Trước đây, phố Hàng Quạt gồm ba phố Hàng Quạt, Hàng Đàn và Mã Vĩ.

Đặc trưng

Ngày nay, phố Hàng Quạt không còn bán quạt và đàn nữa. Những cửa hàng trên phố chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác như bàn thờ lớn nhỏ; tranh thêu; chữ, đối, trướng dùng vào việc hiếu, hỷ, chúc thọ, khen thưởng thi đua.

 

Ø   Điểm dừng 11 – phố Lê Thái Tổ

 

Phố Lê Thái Tổ đi từ Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục đến phố Tràng Thi.

 

Lịch sử

Thời Pháp thuộc đây là hai phố: Đoạn đầu từ Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục đến hết số nhà l8 tức ngã ba Hàng Trống là phố Beauchamp dân gọi nôm là phố Bờ Hồ. Còn đoạn từ ngã ba Hàng Trống đến Tràng Thi thì vẫn là thuộc phố Hàng Trống (tên Pháp là rue Jules Ferry) cho nên đồn cảnh sát ở cuối phố được dân gọi là bốt Hàng Tràng (nay là trụ sở Công an Hoàn Kiếm). Thời tạm chiếm mới ghép đoạn này vào phố Bờ Hồ và gọi tên là Lê Thái Tổ. Sau năm 1954 ta vẫn giữ tên gọi này.

Trong khu vực này, số nhà 16 thì hiện còn pho tượng Lê Lợi đứng trên một đài cao, mới dựng năm l896. Đằng sau tượng là đền Nam Hương tức là đền của thôn Tự Tháp cũ, thời Linh Lang, Cao Sơn và bà Ngọc Kiều. Song có nhiều người nhầm cứ gọi là ''Đền Vua Lê''. Khu vực số nhà 16 này cũng nguyên là trụ sở của hội Khai trí tiến đức do thực dân và một số quan lại lập ra vào năm 1919 chủ yếu là hoạt động văn hóa để tô điểm cho chế độ thực dân phong kiến. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhà này trở thành trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc. Tới khi Quốc hội khóa I được bầu thì ngôi nhà này được dùng làm trụ sở của Ban Thường trực Quốc hội. Nay là trụ sở Cục Thông tin cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thông tin. Điều đáng nhớ nữa ở đây là suốt thời gian 1955-1975, là Câu lạc bộ Thống Nhất, tức nơi gặp gỡ, hội tụ đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết, ngày chủ nhật nào cũng đông vui như ngày hội.

Khu vực Công ty Intimex (30-32 Lê Thái Tổ) và năm 1889 là khách sạn lớn ở Hà Nội có tên là Hotel du Lac (Khách sạn bên Hồ), năm 1901,khách sạn giải tán nhường chỗ cho Phòng Thương mại - Canh nông Bắc Kỳ và Trường Cao đẳng Thương mại. Một khách sạn khác cũng gần đấy có tên là Grand hoel (Đại khách sạn) sau là trụ sở Báo Avenir du TonKin (Tương lai Bắc Kỳ) và  nay là trụ sở Báo Hà nội mới.

Ngoài ra phố này có một ngôi nhà đáng ghi nhớ. Đó là ngôi nhà số 8, đã bị giặc Pháp dàm hư hỏng nặng trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến (nay khu đất đã xây dựng tòa nhà cao tầng). Chính ngôi nhà ấy đã từng là nơi ở của Bác Hồ trong những ngày tháng sôi sục của cách mạng. Nguyên là sau ngày cách mạng thành công không lâu, quân Tưởng Giới Thạch kéo đến miền Bắc nước ta để tước khí giới quân Nhật. Chúng đem theo một lũ Việt gian để quấy rối, phá phách cách mạng. Lúc này, Bác Hồ ở tại Bắc Bộ phủ (phố Ngô Quyền), nhưng xét thấy không thật sự an toàn nên Bác thay đổi chỗ nghỉ để làm lạc hướng kẻ thù. Do đó ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ này đã trở thành một nơi ở của Bác trong khoảng thời gian năm 1946.

Nay Lê Thái Tổ là một phố chỉ có dãy số chẵn (bên kia là bờ hồ) và cơ quan xen lẫn thương mại dịch vụ. Ngay đầu phố là siêu thị và cửa hàng kem nổi tiếng một thời: Long Vân - Hồng Vân, rời tới cao ốc số 8 là văn phòng các hãng buôn, mặt sau tòa Báo Nhân dân là ngân hàng ANZ. Qua ngã ba là siêu thị Intimex và cửa hàng kem Bốn mùa cùng cửa hàng may Âu phục Tiến Thành cũng rất nổi tiếng. Về cơ quan thì có Cục Thông tin cơ sở, cơ quan du lịch và toà Báo Hànộimới. Chốt lại ở cuối phố là Công an quận Hoàn Kiếm.

Ø  Điểm dừng 12 – bưu điện bờ hồ

Ø  Điểm dừng 13 – đền Bà Kiệu

Đền Bà Kiệu có tên là “Thiên Tiên điện”, nay còn bức hoành phi ghi bằng chữ Hán. Trước kia còn gọi là đền Huyền Châu còn đền Bà Kiệu là tên được nhân dân quen gọi. 

Đền Bà Kiệu ở số nhà 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo văn bia ghi lại, đền xưa thuộc huyện Thọ Xương. Đến đầu thế kỷ XX, đền thuộc phố Bờ hồ (Rue du Lac), toạ lac theo hướng Nam. Đền ở chếch về phía trái đền Ngọc Sơn. Cùng với đền Ngọc Sơn và đền vua Lê, đền Bà Kiệu là một di tích cổ của Hà Nội.

Lịch sử 

Theo bia “Trùng tu Huyền Châu từ bi ký” viết vào năm 1866 (Tự Đức 19) thì đến Huyền Châu, nguyên thuộc huyện Thọ Xương, xây dựng từ đời Lê Trung hưng. Sách Thăng Long cổ tích khảo và Hà thành linh tích cổ lục cho biết đền Huyền Châu ra đời vào niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628). Đến cuối đời Cảnh Hưng ông Lê Trọng Sinh cho xây dựng một tam quan. Đền đời Tây Sơn, vị qua Trần Hữu Ứng và vợ là Trần Thị Bảng cung tiến tiền để đúc một quả chuông đồng vào năm Cảnh Thịnh 8 (1800). Đến năm 1864 có lần trùng tu lớn, gỗ là gỗ núi Nưa, đá là đá núi Nhuệ, đều là nguyên liệu nổi tiếng của Châu Ái. Dấu tích kiến trúc vật chất của di tích hiện nay là kết quả của đợt sửa chữa dưới thời vua Tự Đức 17 (1864).

Kiến trúc – Mỹ thuật

Đền Bà Kiệu là một di tích hoàn chỉnh gồm phần kiến trúc và khuôn viên. Do có sự quy hoạch mở đường hồi đầu thế kỷ này nên đã tách kiến trúc làm hai phần. Tam quan ở sát Hồ Gươm, còn đền thờ ở về bên này đường, toạ lạc theo hướng nam, sát bờ bắc của hồ Hoàn Kiếm. 

- Tam quan gồm ba gian xây gạch, kiểu tường hồi bít đốc, mái lớp ngói ta. Khu kiến trúc chính của đền có quy mô lớn, kết cấu hình chữ Công, gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung. 

- Nhà đại bái ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, mái nhỏ đều như gợn sóng. Bộ mái gần gũi với kiến trúc của cố đô Huế. Bờ nóc dạng bờ đinh, bên trên gắn hình cá hoá rồng bằng gốm hoặc men xanh đang nhìn vào bình nước thiêng ở giữa. 

Bộ khung tiền tế định vị khá vững chắc, có 8 cột trụ, chu vi cột cái là 115 cm, cột quân là 105 cm. Các hàng cột hiện được làm bằng đá trắng, hình hộp chữ nhật mỗi cạnh 25 cm.

- Cột đá ở cửa cung có đôi câu đối cho biết thêm về nguồn gốc Bà Chúa Liễu:

Khảm nhất chung anh thiên tượng mẫu

 

Khôn trùng phối hậu đại trung tiến

Tạm dịch:

(Trời kia xa thẳm, tụ khí anh linh ra người mẹ

 

Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian, mà lại thành tiên)

- Nhà tiền tế có bốn tượng cá chép hoá rồng đặt trên xà và dưới điểm của hai mái sau, trước. Các tường dẹt, được thể hiện khá sinh động, chau chuốt và đem lại hiệu qủa nghệ thuật đáng kể cho kiến trúc đền. 

Liền sau tiền tế là một kiến trúc nhỏ dựng trên bốn chân cột lớn kiểu phương đình, hai tầng bốn mái. Bốn mái chạm mảng các hoa văn truyền thông phổ biến theo kiến trúc thời Nguyễn. 

- Hậu cung là nơi toạ lạc của các vị thần được thờ với một nếp nhà ngang xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Các nữ thần được toạ lạc trong một khám thờ lớn, chạm khắc cầu kỳ. Lớp trên gồm 3 pho trong toà Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thuỷ, Mẫu Địa). Lớp dưới có các tượng công chúa Liễu Hạnh và hai tiên nữ Quỳnh Hoa, Quế Hoa. Ngoài khám thờ này còn có bốn tượng nhỏ (2 tượng cô, 2 tượng cậu). Hai bên có hai khám thờ nhỏ, bên phải đặt tượng chầu Thủ đền, bên trái là Bà Chúa Thượng Ngàn. 

- Hai gian bên là nơi thờ những vị thần phổ biến trong các đền Mẫu như Ngọc Hoàng, các vị tôn ông. Các pho tượng này có kích thước nhỏ, tạo tác dưới thời Nguyễn (Thế kỷ XIX). Di tích đền Bà Kiệu hiện nay còn giữ được bộ sưu tập văn hoá lịch sử gồm nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau trải dài qua ba triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn. 

Các khám, long ngai, hương án, án văn , câu đối, hoành phi… đều được chạm tỉ mỉ với các hình rồng, hoa dây, phượng vũ mang nét chạm thế kỷ XIX. Những đồ thờ này được sơn son thếp vàng lộng lẫy làm tăng vẻ đẹp của di tích. Các bia Cảnh Thịnh 8 (1800), Tự Đức 19 (1866)… cùng 27 đạo sắc phong từ triều Lê, Tây Sơn đến Nguyễn phong thần cho Bà Chúa Liễu và hai vị tiên nữ. Thời Lê có 3 đạo Cảnh Hưng 44 (1783), 3 đạo Chiêu Thống Nguyên niên (1787). Thời Tây Sơn có 3 đạo Quang Trung 5 (1792), 3 đạo Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Triều Nguyễn có các sắc đời Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khấnh và Duy Tân.

Văn hóa – đặc trưng

Đền Bà Kiệu thờ ba vị nữ thần: Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ (Quỳnh Hoa và Quế Hoa). Bà Liễu Hạnh còn có tên tôn kính là bà chúa Liễu, Chúa Sòng Mẫu Nghi thiên hạ, Mẫu Phủ Giày

Đền Bà Kiệu là một trong những ngôi đền Mẫu được dựng sớm nhất ở nước ta. Đền gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá tinh thần của Thăng Long, đặc biệt là đối với thắng cảnh Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Chúa Liễu Hạnh đã mang đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng người Việt từ xa xưa về những vị ‘tứ bất tử” của dân tộc. 

Di tích đền Bà Kiệu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 1994.  

Ø  Điểm dừng 14 – phố Đinh Tiên Hoàng

Phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) là một tuyến phố du lịch nằm ở phần bờ đông và bắc củahồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm. Phố khởi đầu từ ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay, đi qua các trung tâm hành chính như: Trụ sở Tp Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Điện Lực Hà Nội; các di tích: chùa Báo Ân, quảng trường Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn và kết thúc ở quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục. Đường Đinh Tiên Hoàng dài 900 m chạy qua các phố Lò Sũ, Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ, đến ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay nối với phố Hàng Bài

Lịch sử

Thời Pháp thuộc, phần đường từ phố Tràng Tiền tới đền Bà Kiệu gọi là phố Hồ (hay Rue du Lac), đoạn còn lại từ đền Bà Kiệu tới đường Lê Thái Tổ gọi là phố hàng Chè. Sau hai đoạn này nối liền với nhau gọi là đại lộ Francis Garnier. Năm 1883, trên phố này có Toà đốc lý (nay là UBND Thành phố Hà Nội), vườn hoa Paul Bert (nay là chỗ vườn hoa Indira Gandhi), chùa Báo Ân (nay là trung tâm Bưu điện Hà Nội) và trung tâm Điện lực Hà Nội. Sau ngày giải phóng phố mang tên Đinh Tiên Hoàng là để ghi nhớ công lao người có công thống nhất đất nước hồi thế kỷ thứ 10

Đặc trưng

Phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những phố đẹp nhất của Hà Nội. Một bên là hồ Hoàn Kiếm, giữa hồ là đền Ngọc Sơn, nối với phố bằng cầu Thê Húc, có Tháp rùa, vườn hoa. Một bên là các công sở, cửa hàng buôn bán đồ da, tạp hoá. Đền Bà Kiệu ở địa phận làng Tả Vọng xưa. Đền dựng từ đời Lê Thần Tông, là nơi thờ Liễu Hạnh, trong đền có quả chuông đúc từ đời Cảnh Thịnh thứ năm (1798). Khi làm đường đi ven hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã cắt ngang đền nên phần tam quan nằm về phía bên hồ, nơi bán hoa, bưu phẩm, chụp ảnh lưu niệm hiện nay. Còn chùa Báo Ân lưu lại di tích cái tháp gần ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, chỗ chờ xe điện ven bờ hồ trước đây.

Một bên là hồ Gươm, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử, một bên là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và các trung tâm đầu não của thủ đô khiến phố Đinh Tiên Hoàng trở thành một trong những tuyến phố du lịch có không gian đẹp nhất Hà Nội. Dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng là ở những khoảng vỉa hè xanh tươi với những vườn hoa, trảng cỏ, ghế đá, non bộ…và những lối đi nhỏ dành cho khách bộ hành.

Phố Đinh Tiên Hoàng có vai trò thật đặc biệt trong các hoạt động văn hoá thủ đô diễn ra thường xuyên ở sân khấu đền Bà Kiệu và quảng trường Lý Thái Tổ. Tại khu vực sân khấu đền Bà Kiệu, thành phố đã lắp đồng hồ đếm ngược sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội để thông tin, quảng bá hướng tới sự kiện lịch sử trọng đại này.

Phố Đinh Tiên Hoàng có thể coi là một trong những tuyến phố du lịch văn minh nhất của thủ đô. Trên vỉa hè phía vườn hoa Lý Thái Tổ, khách du lịch có thể tìm hiểu về những điểm du lịch của thủ đô trong những trạm thông tin du lịch. Tổ hợp nhà vệ sinh công cộng chìm kết hợp với khu bán hàng lưu niệm và giải khát nằm trong "vườn bách thảo" phía hồ Hoàn Kiếm cũng được đánh giá là một sáng kiến tiện dụng và đảm bảo thẩm mỹ cho cảnh quan xung quanh.

 

Tin khác :

LIÊN HỆ

Họ và tên : (*)
Email : (*)
Số điện thoại : (*)
Tiêu đề :
Nội dung liên hệ: (*)